Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra hai phương án hướng tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước) đoạn đi qua TPHCM. Cả hai phương án mà Bộ GTVT đưa ra đều đi qua thành phố Thủ Đức.
Hướng tuyến cao tốc TPHCM – Chơn Thành được đề xuất bắt đầu từ nút giao Gò Dưa, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Anh Quân
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu, sớm thống nhất hướng tuyến và quy mô dự án đường cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn đi qua địa phận TPHCM.
Theo phương án mà Bộ GTVT nghiên cứu, tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dải 69 km, trong đó đoạn đi qua TPHCM dài khoảng 2 km, tỉnh Bình Dương 60 km và tỉnh Bình Phước 7 km. Điểm đầu tuyến tại nút giao Gò Dưa (nằm trên đường Vành đai 2, TPHCM), điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 36.000 tỉ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỉ đồng); vốn của nhà đầu tư là 19.000 tỉ đồng.
Về hướng tuyến đoạn qua TPHCM Bộ GTVT đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Từ nút giao Gò Dưa tuyến đi dọc tỉnh lộ 43 (thành phố Thủ Đức) khoảng 800 mét rồi rẽ phải theo đường ĐT 743B. Khi thực hiện phương án này, TPHCM sẽ điều chỉnh quy hoạch khoảng 900 mét dọc theo tuyến, gồm 400 mét mở mới và 500 mét điều chỉnh quy hoạch đường Bình Chiểu từ 30 mét lên 60 mét.
Phương án 2: Điểm đầu giao với đường Xuyên Á tại giao lộ ngã tư Gò Dưa đi theo tỉnh lộ 43 khoảng 2,2 km (đến hết địa phận TPHCM) rồi rẽ phải kết nối đường ĐT 743B.
Với phương án này, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cần điều chỉnh quy hoạch chiều dài 2,5 km và tuyến cắt một phần vào Khu công nghiệp Đồng An, và cắt qua Trường Quân sự Quân đoàn 4.
Sau khi nghiên cứu 2 phương án, Bộ GTVT đề nghị chọn phương án 1 nhằm giảm phạm vi điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TPHCM sớm nghiên cứu, xem xét thống nhất phương án hướng tuyến để sớm triển khai dự án.
Trước đó vào giữa tháng 5-2021, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TPHCM báo cáo HĐND cấp tỉnh, thành phố để đồng thuận giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Chính phủ yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm chi trả phần giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương. Việc hỗ trợ ngân sách trung ương cho dự án cao tốc phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần.