Sự phát triển vượt bậc về hạ tầng và kinh tế – xã hội đang giúp thị xã Bến Cát (Bình Dương) lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản. Đặc biệt, theo chân các doanh nghiệp FDI, những tháng cuối năm 2020, dòng vốn đầu tư càng ào ạt chảy về đây.
Chuyển mình cùng các dự án lớn
Từ năm 2019 đến nay, thị trường chứng kiến dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào các đô thị phía Bắc tỉnh Bình Dương như Bến Cát, Tân Uyên… Đây là những đô thị trẻ nhưng phát triển năng động và đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.
Theo chiến lược phát triển của Bình Dương, trong giai đoạn 2020 -2030, trọng tâm phát triển sẽ dồn về khu vực phía Bắc với sự ra đời của vùng đô thị thông minh Bình Dương và hàng chục khu công nghiệp mới tại Bến Cát, Tân Uyên… Chỉ tính riêng Bến Cát hiện đã thu hút được 3.800 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn gần 40.000 tỷ đồng và 726 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 7 tỷ USD. Trong bán kính 10 km, Bến Cát đang có nhiều KCN hàng đầu như VSIP II (1.700ha), Mỹ Phước 3 (gần 700 ha), Mỹ Phước 2 (800 ha), Mỹ Phước 1 (gần 500 ha).
Tại Bến Cát hầu như không còn thiếu tiện ích gì, từ giáo dục, y tế cho đến các dịch vụ vui chơi, giải trí như Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Đa khoa Bến Cát, trường Quốc tế Phù Đổng, Trung tâm triển lãm – hội nghị Bến Cát, chuỗi nhà hàng – khách sạn, trung tâm thương mại – hội nghị…
Chưa hết, đầu tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) đã đề xuất đầu tư dự án trung tâm thương mại hơn 3 ha với vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD. Đây sẽ là một trong những trung tâm thương mại quy mô nhất cả nước mà khách hàng nhắm đến chủ yếu là lượng doanh nhân, chuyên gia làm việc trong các KCN tại Bến Cát. Trước đó, Tổng công ty Becamex Bình Dương đã khởi động hai dự án lớn là Trung tâm Thương mại Thế giới và Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ diện tích lên đến 900 ha nằm gần đó.
Đặc biệt, về giáo dục, Bến Cát có trường Đại học Quốc tế Việt Đức quy mô 50ha, vốn đầu tư 200 triệu USD, sẽ khai trương hoạt động trong năm 2021. Bên cạnh đó là khu đô thị – đại học Cổng Xanh quy mô 626ha với mục tiêu trở thành nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu sáng tạo hạt nhân của tỉnh Bình Dương. Như vậy, trong tương lai, Bến Cát sẽ nằm trong khu vực lõi trung tâm phát triển của vùng đô thị thông minh Bình Dương, nơi kết nối giao thương và nghiên cứu khoa học mang tính quốc tế.
Theo các chuyên gia, các dự án lớn bùng nổ tại Bến Cát sẽ kéo theo lực lượng lao động là chuyên gia, kỹ sư lành nghề tăng mạnh, qua đó tạo áp lực rất lớn lên nhu cầu nhà ở. Dự báo trong hai năm tới, con số lao động lành nghề tại đây sẽ tăng mạnh lên 50.000 người. Khi đó, Bến Cát cần phát triển mạnh các khu đô thị mới cũng như đầu tư thêm các tiện ích phục vụ nhu cầu của người dân. Điều này có thể thấy rõ qua các giai đoạn phát triển của thị xã Dĩ An, Thuận An. Năm 2007, dân số của Dĩ An chỉ hơn 200.000 người nhưng với sự hình thành của các khu công nghiệp Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp, Tân Bình, Bình An… năm 2015 dân số đã tăng lên 300.000 người, năm 2019 lên gần 500.000 người.
Đất nền được săn đón
Giới kinh doanh bất động sản nhận định, sắp tới bất động sản Bến Cát nhiều khả năng sẽ lặp lại tương tự như với Thuận An, Dĩ An. Đó là nguyên nhân khá nhiều nhà đầu tư đang tìm đến Bến Cát, Bàu Bàng mua nhà, đất đón đầu cơ hội vào thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Hữu Tạo, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Địa ốc Á Châu, từ khi có thông tin trường Đại học quốc tế Việt Đức chuẩn bị hoạt động, lượng khách hàng đến công ty tìm mua đất Bến Cát đã tăng gấp đôi và càng nhộn nhịp hơn khi Tập đoàn Central Retail công bố dự án trung tâm thương mại. “Mới tháng 5 vừa qua, Á Châu và các đối tác mở bán khu đô thị Bình Dương Avenue City chỉ vài tuần đã hết sạch hàng trăm sản phẩm”, ông Tạo tiết lộ.
Sức hút lớn nhưng đáng chú ý là sản phẩm trên thị trường Bến Cát hiện nay chủ yếu được giao dịch thứ cấp, giá đã được đẩy lên khá cao. Do vậy, một số khách hàng chấp nhận mua các dự án phân lô hoặc đất xen kẹt nên đối mặt nhiều rủi ro. Đây cũng là nguyên nhân khiến giới đầu tư dự báo mặt bằng giá mới sẽ sớm được thiết lập.