Đừng chờ đợi phong thủy giúp chúng ta cải mệnh số, nhưng nó có thể giúp một người đạt được tối đa những gì tốt nhất, nhiều nhất đã được quy định trong khung mệnh số.
Khí mới là cốt lõi quan trọng của phong thủy
Ngày nay, chúng ta sử dụng từ Phong thủy để chỉ một bộ môn được cho là nghiên cứu sự ảnh hưởng của gió và nước lên đời sống, ảnh hưởng tới phúc họa của một ngôi nhà và những con người sống bên trong đó. Tuy nhiên, đó là sự nhầm lẫn, hay nói khác hơn, cách hiểu như vậy mới chỉ tiếp cận được những biểu hiện hình thức của bộ môn Phong thủy.
Từ Phong thủy – Fengshui mà ngày nay chúng ta sử dụng chính là để mô tả bộ môn Địa lý của học thuyết Âm dương ngũ hành. Từ này mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây, để thay thế cho từ Địa lý vốn đã tồn tại từ lâu trong nền văn hóa của Việt Nam.
Từ xa xưa, người Việt đã dùng từ Địa lý để nói tới bộ môn khoa học cổ trong thiết kế và xây dựng nhà cửa hay mộ phần. Bộ môn Địa lý mà ngày nay chúng ta quen gọi là Phong thủy đã xuất hiện trên trái đất từ khoảng ít nhất 6.000 năm trước công nguyên qua các di tích và tài liệu bảo tồn tại ở Ấn Độ.
Từ Fengshui được người người truyền giáo Tây Âu đặt ra thay cho từ Địa lý vào khoảng thế kỷ thứ 19. Sở dĩ họ đặt tên như vậy là vì họ nhìn hình thức của các pháp sư – theo cách gọi của người Tây Âu, hay thầy địa lý – theo cách gọi của người bản địa, vận dụng phương pháp của môn Địa lý. Các thầy Địa lý thường tìm và lựa chọn hướng các dòng chảy, hướng của nguồn năng lượng dựa trên vị trí, địa điểm, địa thế, hình thể của sông núi hay các công trình xây dựng và khu đất.
Có rất nhiều định nghĩa về Phong thủy, trong đó có cách hiểu Phong thủy đơn giản là bộ môn nghiên cứu sự ảnh hưởng của gió và nước lên đời sống, ảnh hưởng tới phúc họa của một ngôi nhà và những con người sống bên trong đó. Nhưng thực chất Phong thủy có phải là gió và nước đơn giản như vậy không ?
Bản chất Phong thủy là bộ môn Địa lý – bộ môn ứng dụng của học thuyết Âm dương ngũ hành. Cách gọi Phong thủy xuất phát từ góc nhìn trực quan và mô tả hình thái bên ngoài của những người Tây Âu vốn hoàn toàn xa lạ với nền Lý học Đông phương. Trong bộ môn Địa lý, việc đầu tiên của các Địa sư (thầy địa lý) là tìm mạch khí của núi và sông. Bản chất của Khí là vô hình, không nhìn thấy, không đo được, không cảm nhận được. Do đó, để nhận biết Khí thì phải dựa vào các hình thái tồn tại của Khí, trong đó có gió và nước.
“Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì tụ”. Cho nên, khi tìm Dương Trạch, tức nơi xây các công trình để ở, thì quan trọng là việc bố trí sao cho không để gió làm tán Khí trong ngôi gia, tạo ra các khu hồ, ao, bể nước để tụ Khí và hoàn toàn không quán xét gì tới hướng gió.
Trong cuộc sống hiện đại có rất nhiều yếu tố tác động lên ngôi nhà và những người sống trong đó. Bộ môn Địa lý quán xét tất cả các yếu tố đó, bao gồm môi trường xung quanh, hướng nhà, thiết kế nhà, hình thể ngôi nhà, bố trí nội thất, màu sắc…, nhưng tuyệt nhiên không có nghiên cứu tới “hướng của gió”, mà chỉ có hướng định vị bằng la bàn, tức là hướng từ trường tự nhiên của đất, là mạch khí của núi, hướng của dòng nước chảy.
Bộ môn Địa lý quán xét “Gió” ở một phạm vi khác, gió và nước không thể đại diện cho tất cả các yếu tố tương tác khác mà chúng ta gọi là Địa lý.
Những câu hỏi trực quan…
Có rất nhiều người dùng cách nhìn trực quan để quán xét bộ môn Địa lý, cũng giống như cách mà người Tây Âu nhìn để rồi gọi môn Địa lý thành Phong thủy.
Cách đặt vấn đề là những người giàu có thường không xem xét tới Địa lý nhưng họ vẫn giàu? Hoặc những mảnh đất các thầy Địa lý bảo xấu không dùng, nhưng lại được bán và giao dịch rất nhiều tiền và người mua từ đầu cũng kiếm được rất nhiều tiền lời? Hoặc người xấu sao vẫn giàu?…
Có nhiều người cũng đặt vấn đề, vì sao các kinh thành được xem xét rất hoàn hảo về phong thủy nhưng rồi các triều đại vẫn sụp đổ? Mộ phần các vị vua đặt ở huyệt Đế vương mà vương triều đó cũng suy tàn? Vậy phải chăng phong thủy không có tác dụng gì?
Phong thủy (Địa lý) không phải là tôn giáo và không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc nào của tôn giáo. Bộ môn Địa lý là bộ môn nghiên cứu những tương tác và thực hành tuân thủ theo quy luật của tự nhiên, chứ không theo khuôn phép và tư tưởng của tôn giáo. Do đó, chuyện một người xấu hay tốt liên quan tới nhân quả và không ảnh hưởng tới tiền bạc vật chất mà người đó được hưởng. Nhưng nếu ngôi nhà được thiết kế xây dựng đúng hay không đúng theo Địa lý, thì nó sẽ tác động lên cuộc sống của gia chủ.
Đất đai nhà cửa ở các khu đô thị nhanh chóng lên giá bởi mới có cây cầu, mới có con đường, hay khu đô thị đẳng cấp. Chủ đầu tư làm ra để bán và họ chẳng cần phải bận tâm về việc khu đó có phải là Huyệt mạch tốt hay không.
Bộ môn Địa lý cũng không liên quan tới việc giá đất đắt hay rẻ, khu đất nào tương lai sẽ bán được nhiều tiền. Những huyệt đạt được đầy đủ các tiêu chí Địa lý thường ở trong tận vùng rừng núi. Không ai xây nhà ở đó để ở.
Hai tiêu chí đặt ra là khác nhau, do đó việc nhạy cảm trong buôn bán bất động sản để mua rẻ bán đắt hay kiếm lời lãi nhiều hoàn toàn không liên quan tới tiêu chí Địa lý phong thủy ở đó tốt hay xấu. Tốt hay xấu lại phải xét trên quan điểm là khi ta sống trong ngôi nhà hoặc mảnh đất nhiều tiền đó, nó ảnh hưởng tốt hay xấu lên cuộc sống bên trong ngôi nhà đó.
Tốt hay xấu cũng không thể cảm nhận được ngay trên góc độ trực quan, có nghĩa là đo đếm và nhìn thấy được. Địa lý (phong thủy) tác động từ từ, chậm rãi và hoàn toàn chỉ cảm nhận được khi bạn quan tâm theo dõi và để tâm cảm nhận tương tác của Địa lý lên cuộc sống.
Có những mảnh đất, ngôi nhà rất xấu xét trên quan điểm Địa lý, nhưng người sống trong căn nhà đó thậm chí là những vị lãnh đạo cao cấp, là những đại gia nghìn tỷ. Hướng rất xấu so với tuổi chủ nhà, nhưng hướng đó sau 9 hoặc 19 năm nó mới phát tác, trong khi chủ nhà đó ở vài năm đã sửa nhà hoặc đổi nhà khác.
Một kinh đô có Địa lý (phong thủy) tốt không có nghĩa là nằm ngoài vận mệnh của một đất nước, không có nghĩa là nó sẽ không bị tàn phá bởi chiến tranh hay bị kẻ khác xâm chiếm thống trị. Nhưng tên tuổi kinh đô đó cũng như khoảng thời gian trị vị của những vị vua sẽ thêm uy danh và quyền lực.
Nếu lăng mộ của các vị vua đó đặt vào huyệt tốt, dòng dõi của vị vua đó sẽ được tiếp nối. Nếu hậu duệ vị vua đó không có được huyệt mộ tốt thì dòng dõi vua chúa cũng sẽ chấm dứt sau 3 – 4 đời kế tiếp sau đó. Trong lịch sử, chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều câu chuyện về việc phá mồ mả của các đời vua khi đối thủ đời vua đó lên ngôi.
Phong thủy không thể cải mệnh số, tức là biến đổi định tính đã được đóng khung trong mệnh số của con người. Mệnh số làm vua thì ắt làm vua, nhưng phong thủy tốt xấu ảnh hưởng tới quyền lực và tên tuổi vị vua đó. Địa lý quyết định về định lượng – số lượng, tức là giúp một con người đạt được tối đa những gì tốt nhất, nhiều nhất đã được quy định trong khung mệnh số.
Sẽ có người đặt câu hỏi, các đại gia ngàn tỷ không quan tâm và không cần làm gì theo Địa lý nhưng họ vẫn giàu có?
Câu trả lời chính là cuộc sống không chỉ có sự giàu có, tiền bạc và chính vì thế, một lá số tử vi của một con người không chỉ có một cung mà là 12 cung. Nếu chỉ nhìn vào vật chất, thì ngay bản thân các đại gia ngàn tỷ cũng không thể biết mình sẽ có thêm bao nhiêu ngàn tỷ nữa, hay có thể mất hết sau một đêm.
Phong thủy có thể giúp những vị đại gia đó có thêm nhiều hơn, mất ít hơn, gặp ít tai họa hơn, nhưng cũng không có nghĩa là nằm ngoài quy luật của vận số. Chúng ta không thể biết số lượng chính xác vật chất chúng ta có thể được hưởng trong tương lai là bao nhiêu.
Trong thời đại của thế giới phẳng, thì tên gọi chỉ dùng để hiểu việc chúng ta đề cập tới vấn đề gì, chứ ít ai lại quan tâm bản chất. Tuy nhiên, Địa lý (Geomance) mới là tên chính xác chứ không phải là Phong thủy, bởi tên Địa lý đủ để bao trùm mọi tính chất và thể hiện đúng những gì chúng ta nghiên cứu về nó.