Dù ảnh hưởng bởi dịch, tình hình phát triển kinh tế – xã hội Bình Dương những tháng cuối năm vẫn được dự báo khả quan nhờ kết quả đạt được nửa đầu năm.
2 kịch bản phát triển kinh tế cuối năm
Theo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm của UBND tỉnh Bình Dương, trong tháng 7, một số chỉ tiêu giảm so với tháng 6 và cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn được nhận định khả quan trong những tháng còn lại nhờ kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, trong nửa đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20.322 triệu USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15.852 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,4 tỷ USD; thu hút đầu tư 1,46 tỷ USD, đạt 133% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gần 20% và số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn tăng hơn 83% so với cùng kỳ…
Trước bối cảnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng đề xuất 2 kịch bản phát triển kinh tế, xã hội. Với trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, chỉ số sản xuất công nghiệp được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 26%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%… Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt khoảng 7% thấp hơn kế hoạch tỉnh đã đề ra (8,5-8,7%).
Kịch bản đến tháng 12 dịch bệnh mới được kiểm soát, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%… tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến chỉ đạt khoảng 6,4%, thấp hơn kế hoạch đề ra.
Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với “mục tiêu kép”, huy động dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.
“Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng cao phải đánh đổi với việc không hoàn thành nhiều mục tiêu kế hoạch năm 2021, để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn”, ông Mai Bá Trước – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Giải pháp phục hồi kinh tế
Hiện tại, Bình Dương vẫn tận dụng thời gian và nguồn lực để chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, đặt mục tiêu đến hết tháng 8/2021 đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 trên 85% cho các đối tượng. Tỉnh cũng đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhằm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, tỉnh đang nỗ lực để sau 30/8 các địa phương “vùng đỏ” sẽ xanh hóa và trở lại trở lại trạng thái bình thường mới. Những tín hiệu khả quan trong bước đầu triển khai kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 tạo nền tảng để tỉnh sớm đạt mục tiêu trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9.
Bên cạnh mục tiêu kiểm soát dịch, lãnh đạo tỉnh cũng đưa ra 5 giải pháp dài hơi để phục hồi kinh tế trong những tháng còn lại. Đầu tiên là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn; phát huy công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế – xã hội.
Thứ hai, tỉnh nỗ lực tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngay khi Chính phủ thông qua chương trình phục hồi kinh tế đang được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng. Theo dõi tình hình doanh nghiệp, thị trường lao động để kịp thời có giải pháp hỗ trợ tạo việc làm mới cho lực lượng lao động nhập cư, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều tỉnh giai đoạn 2021-2025 để có các công cụ pháp lý hỗ trợ tối đa cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh…
Đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp. Tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” theo hướng phù hợp, thông thoáng hơn để khuyến khích áp dụng cho các đơn vị không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Giải pháp cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh.
“Những giải pháp phục hồi kinh tế được chuẩn bị khá tốt; quan trọng là cách tổ chức thực hiện. Từng sở ngành, đơn vị chủ động xây dựng một cơ chế theo thẩm quyền của mình để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Vấn đề gì cần tháo gỡ cho doanh nghiệp phải nhanh chóng hỗ trợ trong khuôn khổ quy định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà cho biết.