Cầm Đồ Mùa World Cup “đuổi không hết khách”

Với không ít dân nghiện cá độ bóng đá, quả bóng World Cup lăn đến đâu, nhà cửa, xe cộ, điện thoại và tài sản… theo đi đến đó. Đặc biệt, mùa giải năm nay nhiều kịch tính càng khiến kinh doanh cầm đồ “đuổi không hết khách”.

Cửa hàng cầm đồ “chảnh” vì… quá tải

Ngồi tại cửa hàng cầm đồ trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) sáng 28/6, T., sinh viên một trường đại học gần đó thất thần làm thủ tục cầm cố chiếc điện thoại Iphone 6s và chiếc laptop Dell. Sau khi kiểm tra thấy máy vẫn hoạt động tốt, chủ hiệu ngã giá cho tất cả chưa đến 7 triệu đồng. Thủ tục, giao dịch chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 phút. T. nhận tiền từ chủ cửa hàng, ngậm ngùi rời đi, nhường chỗ cho một dãy khách hàng chờ tới lượt.

Anh C., trú tại Kim Liên, Hà Nội, một khách hàng khác đang chờ làm thủ tục cầm chiếc xe máy AirBlade vẫn đi làm hằng ngày cho biết, vừa mất hơn 30 triệu đồng sau trận bóng giữa 2 đội Đức – Hàn Quốc đêm 27/6. Anh C. chia sẻ: Nhận định Đức sẽ thắng nên dù kèo có cao, anh vẫn đặt cược cho Đức. Không ngờ, Đức không thể có bàn thắng mà còn bị Hàn Quốc chọc thủng lưới. Ban đầu, anh chỉ đặt một số tiền nhỏ để xem cho vui, về sau trong trận, thấy chưa có bàn thắng, sốt ruột, anh vay tiền đánh thêm mong gỡ gạc nhưng không ngờ, càng đánh càng lún sâu.

Cầm Đồ Mùa World Cup “đuổi không hết khách”

Dịch vụ cầm đồ luôn tấp nập trong mùa World Cup 2018 (Trong ảnh: Một cửa hàng cầm đồ tại đường Láng – con phố từ lâu đã nổi tiếng với nhiều tiệm cầm đồ)

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tại nhiều cửa hàng cầm đồ trên địa bàn Hà Nội như đường Láng, Xuân Thuỷ, Tây Sơn, Nhổn… trong những ngày này luôn tấp nập người vào ra. Những tài sản được đem ra thế chấp, cầm cố chủ yếu là xe máy, máy tính xách tay, điện thoại di động… Quan sát của PV cho thấy, đa số khách hàng trẻ tuổi, trong đó không ít là sinh viên, học sinh.

Tuy nhiên, chủ nhiều cửa hàng cầm đồ trở nên “chảnh” do lượng khách tăng vọt. Chủ cửa hàng cầm đồ trên đường Trần Đại Nghĩa chỉ cho PV vài chiếc xe đã hết hạn nhưng không thấy khách hàng đến chuộc lại: “Giờ mấy đồ lặt vặt, không ngon, tôi không nhận nữa, chỗ đâu mà chứa”.

Lãi suất 70 – 100%/năm vẫn không thèm cho vay!

Trong vai khách hàng tìm hiểu về giá cả, dịch vụ cầm đồ, PV được một chủ cửa hàng cầm đồ tên K. trên đường Láng cho biết: Đối với hàng điện thoại di động, laptop thông thường chỉ cầm được dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi PV đưa chiếc điện thoại Sony đã dùng được hơn năm, chủ cửa hàng từ chối, bởi e ngại khách không tới chuộc sẽ rất khó thanh lý.

PV đặt vấn đề cầm chiếc xe máy SH mẫu mới nhất ra năm 2018 được mua giá gần 80 triệu đồng, chủ cửa hàng cho biết có thể cầm tối đa 60 triệu đồng với điều kiện đầy đủ giấy tờ hợp pháp và không quên nhấn mạnh, chỉ nhận những xe có đăng ký chính chủ. Trong trường hợp khách hàng mua lại cần phải có thêm hợp đồng mua bán, chứng minh thư photo của chủ xe trước đó, mọi thủ tục đều giống như một hợp đồng mua bán thông thường.

Cũng theo chủ cửa hàng trên lãi suất cầm cố mức trung bình sẽ là 2.000 đồng/1 triệu/ ngày với thời gian cầm cố ngắn hạn 15 – 20 ngày. Sau thời hạn 20 ngày, khách hàng sẽ phải đến thanh toán lãi, sau đó mới có thể tiếp tục cầm cố đến khi có điều kiện chuộc lại. Như vậy, với tài sản cầm cố khoảng 100 triệu, mỗi ngày khách sẽ phải trả 200 nghìn đồng tiền lãi chưa kể gốc. Nếu đến hạn không thanh toán hết, xe sẽ bị đem bán. Theo tính toán của PV, mức lãi suất này tương ứng 72%/năm.

Một chủ tiệm cầm đồ khác trên đường Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy) cũng khá thận trọng khi giao dịch những tài sản có giá trị lớn như xe ga, xe tay côn… Tuy nhiên, tại đây, lãi suất lên tới 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày với số tiền cầm cố trên 10 triệu đồng, tương ứng lãi suất tới 108%/năm! Thời hạn đóng lãi là 10 ngày/lần. Với những tài sản cầm cố như máy tính xách tay, điện thoại giá trị dưới 10 triệu đồng, mức lãi còn cao hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.

090.557.8686