Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1-2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 2 tỉ USD.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,54 tỉ USD, chiếm 76,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, đã có nhiều dự án FDI “khủng” được đầu tư tại các địa phương của Việt Nam, nổi bật như tại Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai…

Lưu bản nháp tự động

Hạ tầng giao thông đã góp phần thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam – Ảnh: Minh Phong

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 680,7 triệu USD, chiếm 33,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 618 triệu USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 221,3 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc,…

Minh chứng cho việc Singapore là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là vào ngày 5-2 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy Lioncore Việt Nam với tổng mức đầu tư 30 triệu USD.

Dự án do Công ty Singapore Lioncore Industries làm chủ đầu tư. Nhà máy được đặt tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với hoạt động sản xuất chính là tấm sàn Vinyl Tiles/Plank, công suất gần 14 triệu m2 sản phẩm/năm. Dự kiến đến hết tháng 12-2021 dự án sẽ hoàn thành các hạng mục xây dựng và chính thức đi vào sản xuất.

Dự kiến trong quý I/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cũng sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD. Các dự án này đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với định hướng chiến lược của tỉnh.

Tại Hải Phòng, những ngày đầu tháng 2-2021, UBND TP cũng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LG Display Hải Phòng cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng với số vốn đầu tư 750 triệu USD. Đây là dự án đầu tư FDI với số vốn lớn đầu tiên trong năm mới 2021.

Lưu bản nháp tự động

Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài vào những ngày đầu tháng 2-2021

Dự án LG Display Hải Phòng do LG Display Co., Ltd thuộc Tập đoàn LG Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Đây là phần vốn đầu tư tăng thêm được điều chỉnh từ tổng vốn đầu tư 2,5 tỉ USD đã đầu tư trước đó. Mục tiêu dự án là mở rộng sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD…

Còn tại tỉnh Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021, địa phương này thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua.

Trước đó vào cuối trung tuần tháng 1-2021, Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án “khủng”. Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy Fukang Technology cho đại diện Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, với vốn đăng ký đầu tư 270 triệu USD ngày 18-1. Đây là một trong những nhà máy sản xuất iPhone, iPad, MacBook cho Apple với quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.

Bên cạnh đó, Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử trên địa bàn. Đó là dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV VN do Công ty Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited đầu tư, vốn đăng ký đầu tư 210 triệu USD. Dự án nhà máy Risesun New Material VN do Công ty Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), vốn đăng ký đầu tư khoảng 75 triệu USD. Và dự án nhà máy Kodi New Material VN do Công ty Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), vốn đăng ký đầu tư khoảng 6 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm. Việt Nam đang có nhiều lợi thế như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp để đón dòng vốn đầu tư.

Trong bối cảnh đó, các địa phương đã rất chủ động triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư, chú trọng đến việc chọn lọc những doanh nghiệp công nghệ là phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về chủ trương ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Có thể kể đến việc Hải Phòng hướng tới thu hút nhà đầu tư vào gắn với 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Để thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, Hải Phòng đã và đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch các Khu kinh tế và Khu công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo chủ động quỹ đất sạch, tập trung huy động nguồn lực doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng chú trọng đến việc nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho nhà đầu tư.